Núi Đôi Quảng Bạ - Tòa Thiên Nhiên Quyến Rũ Của Hà Giang
Núi Đôi Quản Bạ - tòa thiên nhiên quyến rũ
--Núi Đôi Quản Bạ tròn trịa, đầy quyến rũ trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng.
-Quản Bạ là huyện cửa ngõ nằm về phía Tây Nam của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cách thành phố Hà Giang 46km về phía Bắc, vượt qua dốc Bắc Sum cao ngất trong mây là du khách đã đến với cổng trời Quản Bạ. Đứng từ đây có thể ngắm nhìn thị trấn Tam Sơn thơ mộng quanh năm mát mẻ được ví như “Đà lạt” của Hà Giang, đặc biệt được tận mắt chiêm ngưỡng Núi Đôi Quản Bạ tròn trịa, đầy quyến rũ trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng.
-Không biết tự bao giờ, người dân nơi đây đã gọi cặp núi độc đáo này là Núi Đôi. Dưới chân Núi Đôi là cánh đồng lúa Núi Đôi Quản Bạ. Suốt bốn mùa, cảnh quan nơi đây thay đổi màu sắc giống hệt Cô Tiên thay áo: áo xanh - đó là lúc cánh đồng lúa đang vào thì con gái; mùa lúa chín lại khoác lên mình chiếc Hoàng bào lộng lẫy; vào vụ cày ải là bộ nâu sồng để bắt tay vào mùa lúa mới v.v., nhưng cặp nhũ hoa thì lúc nào cũng căng tràn sự sống. Cảnh quan khu vực Núi Đôi do vậy lúc nào cũng hút hồn du khách gần xa.
-Theo các nhà khoa học thì Núi Đôi được cấu tạo bằng đá Đô lô mít. Do quá trình phong hóa đá lăn đồng đều theo sườn núi làm lùi dần sườn và hạ thấp dần đỉnh núi, cuối cùng tạo nên hình nón như hiện nay. Đá Đôlômit bị phong hóa (do quá trình tự vỡ) thành các hạt sạn và cát rất dễ dàng di chuyển theo sườn xuống dưới chân do trọng lực và nước chảy tràn trong mùa mưa. Đặc biệt, còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hình nón của Núi Đôi nói riêng và của các ngọn núi có hình chóp nón nói chung là có sự đan xen của các đứt gãy, hướng khác nhau làm đá bị phá hủy dễ dàng hơn. Núi Đôi thuộc kỷ Đệ Tứ - có niên đại cách ngày nay khoảng 1,6 triệu đến 2 triệu năm cách ngày nay. Ngoài Núi Đôi ra còn có một mực cao hơn gồm các đồi dạng nón được hình thành theo con đường tương tự nhưng ở giai đoạn cổ hơn, thể hiện rõ nhất là ba ngọn núi đang tồn tại ở khu vực thị trấn Tam Sơn như hiện nay.
-Núi Đôi còn gắn với những câu chuyện truyền thuyết được đồng bào các dân tộc nơi đây lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến tận ngày nay. Trong đó có một câu chuyện rất cảm động kể rằng: Xưa kia, ở vùng đất này có một chàng trai người H’mông tuấn tú, có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng réo rắt như tiếng suối, ríu rít lảnh lót như tiếng chim rừng, lúc lại sâu lắng, trầm bổng, da diết như tiếng gió giữa đêm khuya cứ bay xa, bay xa mãi. Có một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào xinh đẹp tuyệt trần tình cờ nghe được tiếng đàn môi của chàng đã theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn môi. Phải lòng chàng nên nàng tìm cách ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai kháu khỉnh.
-Ngọc Hoàng phát hiện ra chuyện Hoa Đào bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm trần đã vô cùng giận dữ, sai người đi bắt nàng về. Nàng khóc lóc van xin cho nàng được ở lại nuôi con nhưng không được. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ căng tròn nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường. Hai quả núi đó được gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên.Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái như đào, mận, lê, hồng,… có hương vị thơm ngon kỳ lạ, rau trái thì luôn xanh tươi, lúa ngô tươi tốt. Nước mắt khóc thương chồng con của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng trôi trên biển đá tai mèo, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.
-Lại cũng có câu chuyện khác kể về một đôi trai gái yêu nhau, chàng trai khổng lồ đem lòng yêu người con gái xinh đẹp nơi đây, mặc dù ở tận nơi xa, nhưng chàng trai luôn vượt non cao, suối sâu để đến với người yêu nơi thung lũng xinh đẹp này. Gia đình người con gái muốn thử sức chàng trai miền sơn cước để kén rể, bèn thách rằng, nếu chàng trai ngăn được sông Đông Hà chảy ngược vào thung lũng nơi gia đình cô gái ở (ngày nay là thị trấn Tam Sơn) thì gia đình sẽ chấp nhận chàng làm con rể. Chàng khổng lồ nhận lời, mỗi bữa ăn 7 chõ cơm, ngày đêm gánh những quả núi về thung lũng để đắp dòng chảy ngăn sông Đông Hà về thung lũng. Vào một ngày, đang miệt mài gánh đất để ngăn sông, chàng trai nhận được tin mẹ chết, quá đột ngột và đau khổ, quang gánh của chàng khổng lồ va vào dãy núi cao bị gãy, vội vã chàng chạy về quê chịu tang mẹ, không biết vì lý do gì mà chàng khổng lồ đi mãi không trở lại. Người con gái chung thủy đã mỏi mòn chờ đợi người yêu, ngày ngày nàng đi quanh thung lũng để ngắm những thành quả đang dang dở của chàng, mắt nàng luôn hướng về cổng trời mong ngóng chàng trai trở lại, nàng ngả lưng nơi gần chiếc đòn gánh của người yêu để trông chờ chàng và chờ đợi quá lâu đến nỗi nàng đã hóa thân thành núi để mãi mãi đợi chờ người yêu.
-Đòn gánh của chàng khổng lồ bị gãy hóa thành dãy núi đòn gánh ông khổng lồ
--
Du Lịch Hương Việt chuyên tổ chức các
Tour Du Lịch Hà Giang, Khởi Hành vào Thứ 6 Hàng Tuần
-- Chi Tiết Xin Liên Hệ đường dây nóng
Du Lịch Hương Việt : 0934 247 555